Giáo hội nhìn nhận lại bản thân mình Công_đồng_Vaticanô_II

Giáo hội trước khi có những nhìn nhận, đánh giá chính xác về người khác, điều quan trọng là phải nhìn lại mình một cách thành thật và khiêm tốn.

Sau cuộc phân ly năm 1054, Giáo hội Công giáoChính Thống giáo tiếp tục đối đầu qua lại với nhau - hầu hết là tranh cãi và khiêu chiến - nhưng các cuộc thương lượng lúc thì diễn ra lúc thì gián đoạn. Như Công đồng Vaticanô I gần đây nhất, Giáo hội Tin Lành được thừa nhận trong một cái nhìn rất tiêu cực. Một trong những nhà thần học Giám mục giỏi nhất tại Vatican I, Tổng Giám mục Josef Strossmayer của Bosnia-Herzogovina, đã bị chỉ trích nặng nề khi có vài điều tốt lúc nói về giáo hội Tin Lành. Vài người đã chỉ trích ông là người theo dị giáo.

Tại Vatican II, chúng ta đã nhìn thấy một vài điều hoàn toàn khác. Như Robert McAfee Brown, một trong những nhà quan sát, bộc lộ: "Chúng ta thường bị gọi là bội giáo và dị giáo. Nay chúng ta được gọi là các anh em phân ly". Các nhà quan sát Do Thái giáo không phải luôn được đối xử thân mật tại Vatican II. Vài vị Giám mục đến từ các quốc gia Ả Rập trong vùng Trung Đông công khai than phiền sự có mặt của những người Do Thái, về sự hiện diện của họ ngay trước dãy ghế trong khu vực tốt nhất ở phía trước đại sảnh công đồng. Nhưng đây chỉ là hệ quả của những đấu đá chính trị lúc ấy đang diễn ra tại Trung Đông (hiện nay vẫn còn); chứ còn về lý do thực sự của sự hiện diện Do Thái giáo tại công đồng thì không có vấn đề gì. Hồng y Augustine Bea đã đưa vào nghị trình công đồng một đề mục là không kết án người Do Thái đã giết Đức Kitô, một lời kết án truyền kiếp đổ hậu quả đời đời cho người Do Thái, mà một số ý lấy từ sách Phúc âm theo Matthêu đoạn 27, câu 25 viết: "Máu của người cứ đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi"

Vatican II được xem là một Công đồng của Giáo hội nói về Giáo hội. Ở đây, cái nhìn của Giáo hội về chính mình đã được đổi mới khi nhấn mạnh mấy điểm sau đây:

- Giáo hội là một mầu nhiệm và là một sự hiệp thông trước khi là một cơ cấu tổ chức;

- Sự liên đới của tất cả các Giám mục trên thế giới với Giáo hoàng trong việc điều khiển Giáo hội.

- Sự tự lập chính đáng của các giáo hội địa phương.

- Địa vị cao quý của giáo dân trong Giáo hội.

Người ta có thể nói tới một sự tản quyền và dân chủ hoá trong Giáo hội; điều này vừa phù hợp với nguồn cội của Giáo hội vừa đi sát với xu hướng phát triển của văn minh hiện đại. Năm 1963, trong một thánh lễ tổ chức vào đầu khoá họp thứ hai của Công đồng để cầu nguyện cho Giáo hoàng Gioan XXIII mới tạ thế, Hồng y Suenens nói trong bài giảng lễ: "Ngày lớn nhất trong cuộc đời Đức Giáo hoàng Gioan không phải là ngày ngài lên ngôi giáo hoàng, không phải là ngày ngài thụ phong Giám mục. Ngày lớn nhất trong đời Đức Giáo hoàng là ngày ngài chịu phép Thanh tẩy. Không có phẩm giá nào trong Kitô giáo lớn hơn phẩm giá được làm một người đã chịu phép Thanh tẩy". Đây là một chân lý hầu như đã bị lãng quên và nay đã được Vatican II phục hồi lại trong vị trí ưu tiên của nó. Theo Công đồng, điều trước tiên chúng ta phải nghĩ tới khi nói về Giáo hội, không phải là hàng giáo sĩ nhưng là cộng đoàn dân chúa, trong đó mọi người được hưởng một sự bình đẳng căn bản như nhau. Phẩm trật là cần cho Giáo hội nhưng phẩm trật đến sau, theo nghĩa là "các chức sắc" của giáo hội là những người được tuyển chọn từ hàng ngũ các tín hữu để phục vụ cộng đồng. Cốt yếu, Giáo hội là một hiệp thông gồm tất cả mọi người môn đệ chúa Kitô và cũng là con cái Cha trên trời.

Trong thiên niên kỷ thứ ba, chắc Giáo hội sẽ phải tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa việc xem xét lại ý nghĩa của các thừa tác vụ trong Giáo hội, qua đó vai trò của giáo dân sẽ làm nổi bật hơn nữa. Trong những năm 40 và 50 của thế kỷ trước, việc tông đồ giáo dân được định nghĩa là "sự tham gia của giáo dân vào việc tông đồ của hàng giáo phẩm" (Piô XI). Ngày nay, Vatican II khẳng định: Giáo dân làm tông đồ là thông phần vào chính sứ mệnh cứu độ của Giáo hội; nhờ lãnh bí tích Thanh tẩy và Thêm sức, mỗi tín hữu đều được chính Chúa đề cử làm tông đồ. Một thay đổi hết sức quan trọng. Một đàng hiểu nhiệm vụ tông đồ là của riêng hàng giáo sĩ, đàng khác coi đó là một sứ mạng được Chúa uỷ thác chung cho Giáo hội; dĩ nhiên người giáo dân tham dự vào đó theo cách thức của giáo dân, nhưng họ không nhận sứ mạng đó từ sự "chiếu cố" của hàng giáo phẩm.

Thường xuyên canh tân phải là một yêu cầu cấp bách của Giáo hội. Các nhà giáo sử đang nói với chúng ta rằng Giáo hội đã và đang thay đổi kể từ những ngày đầu sơ khai. Vào thời gian của Công đồng Vatican II, Giáo hội đã trải qua rất ít thay đổi từ Công đồng Trentô vào thế kỷ 16 khi Giáo hội chính thức bắt đầu rút vào một trạng thái tinh thần tự củng cố, một tâm trạng đặc biệt thường thấy xuất hiện trong thế kỷ 1819. Giáo hoàng Gioan XXIII nói, thời gian đã tới để mở ra những cánh cửa sổ và đưa vào nguồn không khí trong lành. Với Vatican II, Giáo hội đã chui ra khỏi lớp vỏ cứng của lễ giáo phong kiến Trung cổ. Với lòng khiêm tốn, Giáo hội nhìn nhận mình không phải là Nước Chúa, cũng không phải là chân lý, mà chỉ là một đoàn người lữ hành trên con đường kiếm tìm chân lý.